Sự lạc quan trong phát triển và triển khai vắc-xin COVID-19 đã thúc đẩy những nỗ lực lập hồ sơ và xác thực cho những người đã được tiêm chủng một cách hiệu quả. Điều này đã truyền cảm hứng cho các cuộc thảo luận mới về cách tạo ra ‘hộ chiếu vắc-xin’ cho phép đi lại giữa các quốc gia, trở lại cơ quan, trường học, tham dự các sự kiện hoặc làm việc với những người được cho là dễ bị lây nhiễm.
Cùng với sự phát triển của vắc-xin, các giải pháp cũng đã tiến triển nhanh chóng một cách ấn tượng. Nhưng chính xác thì các vấn đề liên quan là gì, và việc triển khai sẽ như thế nào?
Hộ chiếu vắc-xin cần phải bao gồm ít nhất là thông tin cá nhân, loại vắc-xin và ngày được tiêm chủng. Ví dụ, trong trường hợp kiểm soát biên giới, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ cần đầy đủ thông tin để trả lời các câu hỏi khác nhau. Đây liệu có phải đúng người đang khai báo? Công ty cung cấp vắc-xin có giấy chứng nhận và được công nhận ở quốc gia chúng tôi không? Loại vắc-xin được mô tả có phải là loại chúng tôi công nhận? Nó có hết tác dụng khi người này đang ở đây không? Làm thế nào để biết thông tin này còn hiệu lực và không phải giả mạo?
Bên cạnh tất cả sự phức tạp này còn có một sự băn khoăn về thời gian kéo dài miễn dịch tạo ra bởi vắc-xin, hiệu quả của vắc-xin trên các biến thể hoặc thời hạn hiệu lực của chúng. Do COVID-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, một giải pháp thành công cần phải phù hợp với tất cả hệ thống hiện có ở mọi quốc gia – khi xuất nhập cảnh, ra vào các tòa nhà, các cơ chế định danh.
Hơn nữa, một giải pháp thành công cần phải thông minh cả về mặt công nghệ cũng như sự phù hợp: có một số giải pháp ứng dụng công nghệ cao bị vô hiệu hóa khi điện thoại thông minh hết pin, hoặc các thao tác trong quy trình kiểm tra xuất nhập cảnh được thực hiện thủ công hoặc các dữ liệu được nhập vào không kết nối với cơ sở dữ liệu trung tâm.
Bài học từ lịch sử: sự trỗi dậy của hộ chiếu điện tử
Gần nhất trong lịch sử chúng ta có sự xuất hiện song song của hộ chiếu điện tử — hộ chiếu thông minh mang chip điện tử chứa dữ liệu sinh trắc học, chẳng hạn như ảnh hoặc dấu vân tay, được mã hóa trên một con chip có thể đọc được bằng máy cho phép các cán bộ xuất nhập cảnh (hoặc cổng tự động) dễ dàng hơn trong việc kiểm tra giấy tờ và xác thực cá nhân. Hầu hết các quốc gia hiện đều có hộ chiếu điện tử, nhưng đã phải mất đến 50 năm để phát triển các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), và biến chúng thành hiện thực.
Một phần thách thức liên quan đến các vấn đề bảo mật, vốn không thể xem nhẹ. Điều này bao gồm việc giữ gìn quyền riêng tư, đảm bảo thông tin không bị làm giả, xác nhận nguồn gốc, đảm bảo chip điện tử trong hộ chiếu và đầu đọc có thể xác thực lẫn nhau, đồng thời duy trì tính toàn vẹn của các khóa riêng tư và công khai cần thiết cho việc tạo kết nối.
Các số liệu đáng tin cậy cũng làm dấy lên lo ngại rằng công nghệ không tiếp xúc được sử dụng có thể bị đọc lướt (theo đó dữ liệu có thể được đọc bởi một thiết bị khác và sau đó được khai thác hoặc nhân bản) và thậm chí là bị thu thập từ xa. Những lo ngại này vẫn được nêu lên vào năm 2005 khi một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, giới thiệu hộ chiếu sinh trắc học.
Sau đó có vấn đề về việc quyết định nơi lưu trữ dữ liệu. Các chính phủ sẽ tự lưu giữ dữ liệu hộ chiếu, nhưng ai sẽ lưu trữ dữ liệu cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI) — khóa riêng tư và khóa công khai để truy cập dữ liệu riêng tư của các cá nhân? Một câu hỏi khác là liệu cơ quan giám sát, trong trường hợp này là ICAO, một tổ chức của Liên hợp quốc, có thẩm quyền áp đặt các quy định, thủ tục và tiêu chuẩn cho các vấn đề xảy ra trong phạm vi của các quốc gia thành viên có chủ quyền hay không?
Một số lo lắng về việc liệu các mục tiêu của từng quốc gia có phù hợp với mục tiêu của cả nhóm hay không. Trong trường hợp của ICAO, câu hỏi đặt ra là liệu những đại diện của một quốc gia trong các tổ chức – chẳng hạn như nhóm ICAO chịu trách nhiệm phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật của chip điện tử và dữ liệu sinh trắc học – có lợi ích thương mại riêng hoặc lợi ích quốc gia hay không.
Cùng lúc đó, nhóm kỹ thuật của ICAO đã gặp nhiều trở ngại trong việc đánh giá các công nghệ cạnh tranh khác cũng như bắt kịp với sự đổi mới nhanh chóng của công nghệ. Từ năm 1994 đến 1997, nhóm đã không gặp nhau lần nào, và khi gặp nhau vào năm 1998, trọng tâm công nghệ của nhóm vẫn là mã vạch. Năm 1999 và 2000, kỹ thuật sinh trắc học không phải là một mục chính trong chương trình làm việc; không có cuộc họp nào được tổ chức trong năm 2001.
Trong khi đó, các quốc gia riêng lẻ như Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi các chương trình của riêng họ. Ví dụ, sau cuộc tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới vào năm 2001, chính phủ Hoa Kỳ đã tích cực đẩy mạnh thực hiện hộ chiếu sinh trắc học có thể đọc được bằng máy, với dự án làm việc của ICAO, và đe dọa sẽ loại các quốc gia khỏi danh sách miễn thị thực nếu họ không tích hợp công nghệ này. Cuối cùng những du khách cần thị thực đã được yêu cầu sử dụng hộ chiếu này vào năm 2016 [1].
Tất cả những thách thức này dẫn đến việc triển khai chậm. Đến năm 2011, chỉ chưa đến một nửa số quốc gia thành viên của Liên hợp quốc ban hành hộ chiếu điện tử [2]. Hành trình này cho thấy đây là chuyện đáng lưu tâm cho những ai mơ ước có hộ chiếu vắc-xin được triển khai trong nay mai.
Nhìn về phía trước: nhu cầu về tiêu chuẩn và hợp tác
Không chắc rằng tất cả những vấn đề này sẽ xuất hiện trong trường hợp hộ chiếu vắc-xin. Các nhà hoạch định chính sách, các ngành công nghiệp đang hứng chịu đại dịch COVID-19 và các nhà cung cấp giải pháp công nghệ đang rõ ràng tập trung tâm trí vào nhu cầu cấp thiết để tìm ra giải pháp. Nhưng bản thân sự cấp bách này có thể gây ra trở ngại, tạo ra một loạt các sáng kiến thiếu khả năng tương tác kết nối lẫn nhau.
Quyền riêng tư vẫn là một thách thức bấy lâu nay. Kể từ khi áp dụng rộng rãi các biện pháp kiểm soát nhập cư sinh trắc học, những người ủng hộ quyền riêng tư bày tỏ lo ngại về việc ai có thể truy cập dữ liệu đó, liệu dữ liệu có được sử dụng để phân biệt đối xử, và nó có được sử dụng cho các mục đích khác, chẳng hạn như kiểm soát tội phạm hay không? Họ cũng đưa ra những câu hỏi khó về việc ai sở hữu dữ liệu đó, cũng như liệu một cá nhân có quyền xem dữ liệu của họ và chỉnh sửa nó nếu cần hay không.
Có những bài học đã được rút ra: hầu như tất cả các sáng kiến chính trong việc tạo ra hộ chiếu vắc-xin đều nhấn mạnh đến nhu cầu cá nhân muốn kiểm soát và sở hữu thông tin xác thực về danh tính và sức khỏe của họ, đồng thời được phép xem và có tiếng nói về việc dữ liệu đó đang được sử dụng như thế nào.
Tuy nhiên, một số bài học từ trường hợp hộ chiếu điện tử không áp dụng cho hộ chiếu vắc-xin. Một điểm khác biệt là hộ chiếu vắc-xin cuối cùng có thể có cả dạng vật lý và dạng kỹ thuật số, đồng thời có thể hoạt động hoàn toàn ở dạng kỹ thuật số, thông qua ứng dụng hoặc trực tuyến. Phiên bản giấy, chẳng hạn như bản in hoặc thẻ, sẽ cần thiết cho những người không mang theo điện thoại di động, nhưng bất lợi là dễ bị mất, lộ dữ liệu nhạy cảm hoặc dễ bị thay đổi hoặc làm giả. Vì vậy, nó cần phải chứa yếu tố cho phép việc xác minh trực tuyến, rất có thể thông qua mã QR, và để người dùng có thể in ra một bản sao khác nếu cần.
Do đó, các nỗ lực tập trung vào việc phát triển các tiêu chuẩn, nếu không hoàn toàn được giám sát bởi một tổ chức như hộ chiếu điện tử, thì ít nhất cũng nên có tính liên kết với nhau. Để giải quyết vấn đề này, một nền tảng có tên ID2020, được thành lập bởi Microsoft, Accenture, một tổ chức thúc đẩy tiêm chủng có tên Gavi và Quỹ Rockefeller, gần đây đã đưa ra nguyên tắc Good Health Pass. Được ủng hộ bởi hầu hết những người có các sáng kiến chính về hộ chiếu này, nó được hy vọng sẽ giúp tạo ra một kế hoạch chi tiết của hệ thống thông hành sức khỏe kỹ thuật số có thể liên kết với nhau được.
Những nỗ lực như vậy là rất cần thiết. Với rất nhiều người dành thời gian và công sức để tìm ra giải pháp thỏa đáng cho vấn đề, việc đảm bảo rằng tất cả họ làm việc cùng nhau là thách thức lớn nhất. Có một sự đồng thuận trên diện rộng rằng các tiêu chuẩn mở nên được sử dụng khi có thể, và khi cần sẽ mở rộng thêm ở bất cứ nơi nào mà COVID-19 và những thế hệ sau của chúng tấn công chúng ta.
Nhưng với các tiêu chuẩn mở, câu hỏi đặt ra là: tiêu chuẩn nào? COVID-19 Credentials Initiative (CCI), một cộng đồng mở toàn cầu được quản lý bởi Linux Foundation Public Health (LFPH), khuyến khích việc sử dụng một tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc xác thực thông tin được tạo ra trong World Wide Web Consortium (W3C), tổ chức chính phát triển các tiêu chuẩn web. Nhưng việc này chỉ mới được một năm, và vì vậy cần thời gian để có thể hiểu rõ hoặc chấp nhận rộng rãi.
Good Health Pass Collaborative cho rằng: “Một điều rõ ràng là: trong cuộc chạy đua thị trường này, khó có khả năng một giải pháp duy nhất sẽ được triển khai trên toàn cầu – hoặc thậm chí chỉ trên toàn ngành du lịch.” Thật vậy, một giải pháp duy nhất sẽ có thể không được như ý: chính phủ có thể có các yêu cầu khác nhau đối với một hãng hàng không hoặc một địa điểm tổ chức sự kiện. Nhưng điều này cũng có thể dẫn đến sự phân đoạn ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và lợi ích kinh tế của những hệ thống thông hành chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số.
Có những vấn đề khác không liên quan đến kỹ thuật hay tổ chức nhưng cũng rất khó khăn như sự gắn kết xã hội và đạo đức. Nếu các nước quyết định rằng vắc-xin đang được chứng minh là có hiệu quả, họ có cho phép những người mang hộ chiếu vắc-xin bắt đầu sử dụng chúng ngay lập tức, hay đợi cho đến khi tất cả những người muốn tiêm (hoặc được yêu cầu phải tiêm) đều có hộ chiếu vắc-xin? Quyền tự do có bị xâm phạm khi chỉ có một số người được phép đi lại?
Giải quyết những vấn đề này sẽ rất quan trọng đối với sự thành công của hệ sinh thái hộ chiếu vắc-xin. Trong khi nhiều tổ chức đang nỗ lực hết mình để hợp tác đương đầu với những thách thức, câu hỏi vẫn còn đó là liệu họ có kịp thành công trong việc tạo ra sự khác biệt trong đại dịch hiện nay hay không.