Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN) tiếp nhận khoảng 3.500 bệnh nhân mỗi ngày, trong đó có khoảng 100 bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (CC-HSTC). Một trong những ưu tiên quan trọng nhất của Khoa CC-HSTC là phân loại bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến hội chứng mạch vành cấp (ACS) càng sớm càng tốt. Cần phải nhanh chóng đưa ra quyết định lâm sàng phù hợp để chấp nhận (rule – in) hoặc loại trừ (rule – out) và theo dõi liên tục tại các khoa phòng khác.
Nhồi máu cơ tim cấp (AMI) là bệnh cảnh cấp cứu và đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân không có đoạn ST chênh lên hằng định trên ECG, hướng dẫn mới nhất năm 2020 của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) về quản lý hội chứng Vành cấp tính khuyến nghị phân loại bệnh nhân và phân tầng nguy cơ với phác đồ hs-cTn 0h/1h, nghĩa là lấy máu tại thời điểm 0h và 1h. Nên sử dụng xét nghiệm hs-cTn để đảm bảo độ chính xác trong chẩn đoán, cung cấp thông tin quan trọng cho việc đưa ra quyết định lâm sàng và rút ngắn khoảng thời gian của lần đánh giá troponin tim thứ hai.
Để giải quyết những thách thức tiềm ẩn trong việc quản lý quy trình làm việc mới cho Khoa CC-HSTC, một giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) tích hợp và tùy biến cho Phòng xét nghiệm đã được tạo ra nhờ sự hợp tác tích cực giữa Phòng xét nghiệm bệnh viện ĐHYHN và các chuyên gia tư vấn CNTT trong lĩnh vực chẩn đoán. Mẫu máu từ Khoa CC-HSTC có chỉ định xét nghiệm troponin tim độ nhạy cao (hs-cTn) được ưu tiên trả kết quả trong thời gian ngắn nhất (dưới 30 phút).
Giải pháp CNTT của Phòng xét nghiệm cho phép theo dõi kết quả của bệnh nhân trong một ô độc lập mã hóa theo màu với màn hình hiển thị đồng thời ở cả Phòng xét nghiệm và Khoa CC-HSTC. Kết quả xét nghiệm hs-cTnT đầu tiên (T0) sẽ được xem xét và phân loại ngay lập tức. Nếu bệnh nhân có T0 hs-cTnT <5ng/L (ô màu xanh dương), khuyến cáo là loại trừ hoặc chấp nhận bệnh nhân nếu > 52ng/L (ô màu đỏ).
Nếu kết quả xét nghiệm từ 5-52 ng/L (ô màu vàng), bệnh nhân thuộc “vùng quan sát” cần được theo dõi và được chỉ định làm xét nghiệm hs-cTnT lần thứ hai (T1). Khuyến cáo tiếp tục theo dõi ở các mức (T1: 3 <1h∆ <5ng/L) và chỉ định xét nghiệm lại ở T3.
Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI) cũng có thể được loại trừ bằng sự kết hợp ở mức Troponin ban đầu thấp (T0: 5-12 ng/L) và không tăng cao trong vòng 1 giờ (1h∆ <3) (ô màu xanh dương). Khuyến cáo là chấp nhận khi Troponin ban đầu cao nếu (T0: 12 – 52 ng/L) và 1h∆> 5 (ô màu đỏ).
“Giải pháp công nghệ thông tin đánh giá phân loại bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp theo phác đồ ESC 0/1h đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân, đặc biệt ở Khoa CC-HSTC. Từ đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và điều trị kịp thời. Việc chuyển từ quy trình làm việc thủ công sang các giải pháp hệ thống hóa cung cấp sự hỗ trợ và phối hợp trong một quy trình làm việc giữa Khoa CC-HSTC và Khoa Xét nghiệm, giúp bác sĩ lâm sàng nhận được thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho kết quả lâm sàng và sự quản lý bệnh nhân tốt hơn.” – PGS.TS.BS Hoàng Văn Hải, Trưởng Khoa CC-HSTC.
Giới thiệu về Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là bệnh viện đa khoa trực thuộc Trường Đại học Y Hà Nội, phát triển dựa trên thế mạnh của Nhà trường, được thành lập ngày 16/01/2007 theo Quyết định số 137/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Lúc mới đi vào hoạt động, cơ sở vật chất của bệnh viện chỉ ở mức cơ bản với 150 giường bệnh và khoảng 150 cán bộ, nhân viên.
Hơn 14 năm sau ngày thành lập và không ngừng phát triển, đến nay Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã là một cơ sở y tế lớn, quy mô hơn 419 giường bệnh với hơn 1000 cán bộ, nhân viên. Các bác sĩ làm việc tại đây đều là những người có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm (quy tụ nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư và Tiến sĩ Y khoa).
Bệnh viện hiện có gần 20 chuyên khoa lâm sàng và 7 chuyên khoa cận lâm sàng phục vụ nhu cầu khám và điều trị nhiều bệnh lý. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng là một trong những cơ sở y tế đi đầu trong việc ứng dụng kỹ thuật cao và phát triển các kỹ thuật y khoa mới tại Việt Nam.